Bình thường chúng ta cử động nhanh nhẹn, linh hoạt là do các tế bào thần kinh khỏe mạnh trong não điều khiển. Một số tế bào thần kinh sản xuất ra một chất hóa học gọi là Dopamin. Chính Dopamin này giúp cho não của chúng ta điều khiển các cử động nhanh nhẹn.
Khi bạn bị bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh chứa chất dopamin cũng giảm dần. Do đó bạn không còn cử động nhanh nhẹn như trước nữa. Các hành động trở nên chậm chạp, di chuyển trở nên khó khăn hơn.
Hãy cùng Tptherapy tìm hiểu thêm nhiều thông tin qua bài viết dưới đây nhé.
1. Yếu tố đưa đến bệnh Parkinson
Khó xác định yếu tố nguy cơ cho bệnh Parkinson vì nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuổi là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến. Sau 50 tuổi, tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh Parkinson (5%) khởi phát ở người trẻ.
Một số trường hợp người bệnh Parkinson có họ hàng gần cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson có làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay không vẫn chưa rõ. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson thì người trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ dạng bệnh này thấp. Một số nghiên cứu cho rằng tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất… có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh.
2. Các triệu chứng bệnh Parkinson:
- Chữ viết khó khăn, nhỏ dần
- Vọp bẻ (chuột rút), đau
- Da nhờn và gàu nhiều
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, chảy nước dãi
- Rối loạn đường tiểu: tiểu không kiểm soát, tiểu khó
- Rối loạn sinh dục: giảm ham muốn tình dục, bất lực
- Huyết áp: tụt huyết áp tư thế
- Mất ngủ: do khó xoay trở, lo lắng, trầm cảm
3. Bệnh Parkinson chia làm mấy giai đoạn?
Giai đoạn sớm: Run hoặc đơ cứng nhẹ, chỉ một bên cơ thể, nhưng có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.
Giai đoạn trung bình: Cử động chậm, run vừa, thường ở hai bên cơ thể, nhưng còn đáp ứng tốt với điều trị
Giai đoạn nặng: Cử động rất chậm dù được điều trị, tư thế bất thường, hoạt động sống hàng ngày khó khăn, xuất hiện tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Thời gian tiến triển từ giai đoạn nhẹ đến nặng rất thay đổi theo từng bệnh, không ai có thể biết chính xác là bao lâu, có người bệnh chỉ dậm chân ở giai đoạn sớm, nhưng cũng có người bệnh chuyển sang giai đoạn nặng sau 5-7 năm. Tuy vậy, việc thay đổi lối sống, tập luyện, uống thuốc, phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.
4. Bệnh Parkinson điều trị được không?
Cho đến nay vẫn chưa có phương thức nào chữa lành bệnh Parkinson, nhưng có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát tốt triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Parkinson:
- Levodopa (Madopar, Syndopar, Sinemet)
- Thuốc đồng vận dopamine (Sifrol, Trivastal, Neupro)…
- Thuốc kháng cholinergic như Trihexyphenydil (Artane, Trihex)…
- Ức chế MAO-B (Selegiline…)
- Amatadine
Phẫu thuật kích thích não sâu: cũng có hiệu quả trong một số trường hợp người bệnh còn đáp ứng với thuốc nhưng có nhiều biến chứng do thuốc gây ra. Phẫu thuật được sử dụng nhiều nhất hiện nay là phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu.
Mong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh Parkinson. Hãy theo dõi Tptherapy để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích khác nhé.