Đông cứng khớp vai là gì? Nguyên nhân và điều trị như thế nào để hiệu quả? Cùng Tptherapy tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Đông cứng khớp vai là gì?
Đông cứng khớp vai còn được gọi là viêm dính bao hoạt dịch khớp vai. Đây là một căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau và hạn chế vận động khớp vai. Dần dần theo thời gian khớp vai cứng lại và không thể vận động được.
Sau giai đoạn đau và hạn chế vận động, bệnh sẽ có xu hướng tự tốt lên. Mặc dù vậy quá trình hồi phục cũng sẽ mất rất nhiều năm. Đầu tiên, bước ưu tiên nhất là sử dụng các biện pháp điều trị tập trung vào khôi phục vận động của khớp vai.
Bệnh thường xuất hiện ở tuổi từ 40 đến 60 và gặp ở nữ giới nhiều hơn nam. Đặc biệt dễ gặp hơn ở những bệnh nhân đái tháo đường, đột quỵ hoặc sau phẫu thuật.

2. Cấu trúc khớp vai
Khớp vai được tạo bởi 3 xương:
- Xương cánh tay.
- Xương bả vai.
- Xương đòn.
Trong đó đầu chỏm xương cánh tay dạng tròn khít vừa vào ổ chảo của xương bả vai. Các xương này được cố định với nhau bởi các dây chằng và gân. Ở giữa các gân, dây chằng và trong ổ khớp có các túi dịch giúp bôi trơn trong các vận động.
Khi bị đông cứng khớp vai, các thành phần sẽ bao bọc gân, dây chằng và ổ khớp bị viêm. Lâu dần sẽ dẫn tới dày lên và dính, khiến bệnh nhân đau và mất dần vận động khớp vai. Bệnh có thể thoái lui sau 6 tháng đến 2 năm ở một số bệnh nhân. Tuy vậy không phải mọi bệnh nhân đều có thể có lại được tầm vận động khớp vai bình thường.
3. Nguyên nhân bị đông cứng khớp vai
Hiện nay vẫn chưa rõ về nguyên nhân chính gây ra bệnh đông cứng khớp vai. Tuy vậy, bệnh lý này thường gặp ở những bệnh nhân mắc một số bệnh sau:
– Đái tháo đường
– Nhược hoặc cường giáp
– Parkinson
– Bệnh tim mạch
– Sau bất động khớp vai một thời gian dài

4. Thăm khám & điều trị
4.1 Thăm khám
Bác sĩ sẽ thăm khám vận động khớp vai theo các hướng (vận động thụ động). Bệnh nhân sẽ hạn chế các động tác dạng và xoay trong khớp vai. Tầm vận động thụ động theo các hướng của bạn sẽ được ghi nhận để so sánh trong các lần tái khám tiếp theo. Cải thiện tầm vận động là một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá hiệu quả điều trị.
4.2 Các xét nghiệm
– XQ và siêu âm khớp vai và nếu cần thiết phân biệt với các bệnh khác sẽ cần chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính
– Xét nghiệm máu có thể được chỉ định nếu cần đánh giá các yếu tố nguy cơ.
4.3 Điều trị
Có 2 mục tiêu điều trị là giảm đau và khôi phục tầm vận động
– Điều trị không dùng thuốc: Các bài tập vận động giúp bệnh nhân khôi phục lại được các động tác bị hạn chế, chủ yếu là động tác xoay trong và dạng khớp vai.
– Điều trị dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau chống viêm non steroid: Giúp kiểm soát đau và ức chế viêm
- Thuốc giãn cơ: Nếu đau gây căng cứng cơ lân cận có thể dùng thêm các thuốc giãn cơ
4.4 Các biện pháp can thiệp tối thiểu
– Tiêm corticosteroid đơn thuần: Đưa corticosteroid vào ổ khớp giúp giảm đáp ứng viêm trong giai đoạn đầu của bệnh.
– Tiêm nong khớp vai: Đưa một lượng dịch lớn và corticosteroid vào ổ khớp, giúp ức chế đáp ứng viêm tại chỗ và bóc tách các thành phần dính trong ổ khớp.
– Làm vận động khớp vai dưới gây tê đám rối thần kinh cánh tay: Bệnh nhân sẽ được gây tê toàn bộ khớp vai. Bác sỹ sẽ vận động thụ động khớp vai theo các hướng khác nhau giúp bóc tách các xơ dính bên trong khớp vai.
4.5 Ngoại khoa
Nếu các biện pháp trên thất bại, có thể cân nhắc tới phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp vai.

Đông cứng khớp vai ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và sinh hoạt hằng ngày. Vì thế tìm kiếm nguyên nhân và hướng điều trị là việc hết sức cấp thiết. Theo dõi TPtherapy ở những bài viết sau để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!