TÚI PHÌNH MẠCH NÃO ĐƯỢC PHÁT HIỆN TÌNH CỜ
Có một anh bệnh nhân 34 tuổi, sau chụp MRI sọ não thì tình cờ được phát hiện có 1 túi phình 1.4mm. Bệnh nhân đã được giải thích cần phải điều trị kịp thời để loại bỏ túi phình.
Vậy chúng ta nên làm gì, nếu như đột nhiên xuất hiện tình trạng túi phình nhỏ ở động mạch não? Hãy cùng Tptherapy tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
1. Phình Động Mạch Não
Tình trạng khá phổ biến, thường gặp. Ước tính khoảng 2-3% trong dân số và có thể cao hơn trên dân số lớn tuổi.
- Yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình:
- Độ tuổi
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu
- Yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình…
Tuy vậy, kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng. Và có tính quyết định trong việc xử trí.
Nghiên cứu ISUIA chỉ ra, nguy cơ vỡ của túi phình có kích thước <7mm là cực kỳ thấp. 0% trong 5 năm với túi phình nằm ở các vị trí tuần hoàn trước. Nguy cơ vỡ của túi phình động mạch thông sau cao hơn, 1,5% trong 5 năm (0.3%/ năm). Tuy vậy, nguy cơ vỡ sẽ tăng lên nếu kích thước túi phình trong khoảng 7-12mm, và đặc biệt khi lớn hơn 12mm.

2. Giải Pháp:
Có 3 giải pháp đối với các túi phình động mạch não chưa vỡ:
- Phẫu thuật kẹp túi phình: Sử dụng một hoặc nhiều clip (kẹp) bằng kim loại để kẹp vào cổ túi phình mạch máu não. Có 2 nghiên cứu phân tích gộp, đánh giá kết quả phẫu thuật kẹp túi phình chưa vỡ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong 1-2,9%. Nguy cơ tử vong có thể hơn 20% với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.
- Can thiệp bít túi phình: Sử dụng một ống thông luồn qua động mạch đùi đi lên não. Một dây vòng xoắn kim loại (coli) sẽ được đưa qua ống thông đến túi phình mạch não bít lại đề cho máu không chảy vào túi phình. Dựa trên các phân tích gộp, tỷ lệ kết quả không tốt ở nhóm điều trị can thiệp 3-4%; tỷ lệ tử vong 1-2%. Trong nghiên cứu ISUIA, tỷ lệ tử vong ở nhóm can thiệp là 3,1%. Nguy cơ tử vong cũng sẽ cao hơn, với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.
- Điều trị bảo tồn: bao gồm việc kiểm soát huyết áp, tránh thuốc lá, bia rượu.
Điều quan trọng, cần theo dõi túi phình bằng các kỹ thuật hình ảnh mạch máu không xâm lấn (MRA hoặc CTA) sau 6 tháng, hoặc 1 năm để đánh giá việc gia tăng kích thước. Cần lưu ý, chỉ nên chọn 1 kỹ thuật hình ảnh học để theo dõi (nếu đã chon MRA lần đầu, thì nên lập lại MRA sau đó) nhằm tránh sai số giữa 2 kỹ thuật. Đây là lựa chọn hợp lý cho túi phình chưa vỡ có kích thước <7mm.

3. Xử Trí Xâm Lấn Túi Phình Chưa Vỡ
1. Chắc chắn, các túi phình có kích thước lớn > 12mm nên được xử trí sớm, đặc biệt khi bệnh nhân trẻ và có tiền sử gia đình.
2. Các túi phình kích thước từ 7-12 mm nên thận trọng vì hiện nay chưa có chứng cứ cho thấy lợi ích của việc can thiệp so với điều trị bảo tồn trên đối tượng này. Theo cá nhân, nhóm bệnh nhân này nên được theo dõi kích thước mỗi 6 tháng. Việc quyết định sẽ tùy thuộc vào những yếu tố đi kèm như: tuổi, tiền sử gia đình, vị trí ở động mạch thông sau, kích thước gia tăng…
3. Ai sẽ cần tầm soát túi phình động mạch não chưa vỡ?
Với tỉ lệ 2-3% trong dân số, việc đột nhiên phát hiện túi phình là điều hoàn toàn có thể và xử trí đa số là điều trị bảo tồn, do vậy, chắc chắn sẽ không có chuyện tầm soát ở mọi đối tượng. Khuyến cáo chỉ nên tầm soát ở các đối tượng có nguy cơ cao như: gia đình có người thân vỡ túi phình và bệnh nhân thận đa nang.